Tôi đang ngồi tại Sơn La – ẩn cư, với nhiều người đó có thể nó thật lãng phí, tôi còn trẻ thế, tôi còn nhiều mong ước thế, tương lai của tôi dài đến thế, nếu tôi chú tâm tôi có thể xây dựng cả một đế chế, một doanh nghiệp, chúng thật to lớn làm sao, vỹ đại làm sao, thách thức làm sao. Tôi cũng thấy vậy, tôi không bác bỏ quan điểm của mọi người, vậy nên tôi mong rằng những lời này tôi có thể gửi đến những người thật sự quan tâm tới tôi và họ có thể hiểu những điều đang ở trong tôi lúc này.
Tôi vốn dĩ được sinh với bàn tay nắm, chắc mọi người cũng thế, điều đó chứng tỏ tôi đã mang điều gì đó tới thế giới này. Điều đó hẳn phải đẹp đẽ, phải cao cả và thiêng liêng thì tôi mới chấp nhận đến với thế giới này. Mẹ tôi đã hỏi vậy nó là cái gì? – Con không biết, con đã chứng ngộ, Phật sau chứng ngộ chỉ làm kẻ ăn mày, Jesus sau chứng ngộ cũng chỉ là ăn mày, Kabir cũng vậy, nên chắc con cũng chỉ là kẻ lang thang nào đó, không tốt đẹp như mẹ nghĩ đâu.
– Vậy chuyện học đại học của con thì sao?
– Con đã có ý định học tiếp nhưng vì mẹ đã hỏi nên con xin trả lời từ giây giút này con không còn liên quan gì đến chuyện học đại học nữa, đại học đã bỏ con, vậy đó, con không bỏ chúng, chúng đã bỏ con thông qua câu nói của mẹ. Cuộc sống cần người này người kia, có người học rồi bỏ cũng tốt mà.
– Tao chịu mày đấy Mạnh ạ, mày từ Hà Nội về đây, mày không nói cái gì cả mày chỉ mang về một bao sách, hãy nhìn xem các bác bá, người thân trong gia đình đã đến và bao nhiêu câu hỏi cho tao, sao mày lại thế, sao đang học đại học lại trở về như thế, mày đã từng học rất giỏi, mày đã có cả giải nhất tỉnh, giấy khen thì vẫn treo ở kia, giờ mày tự về và mày nói rằng mày không học nữa.
– Nhất tỉnh à, điều đó chứng tỏ rằng cuộc thi con tham gia toàn những kẻ ngu, con chả thấy con có điểm gì thông minh cả, vậy mà con được giải nhất tỉnh, mẹ lại còn ảo tưởng và mọi người lại còn khoe khoang về nó nữa chứ. Ngày mai, con sẽ đốt chúng, tất cả đống giấy khen ấy.
Kỳ thực trong giai đoạn học của tôi, tôi cũng mang về khá nhiều thành tựu so với những đứa trẻ trong làng, không chỉ mẹ tôi mà cả dòng họ tự hào về chúng, tốt hơn hết là tôi lên đốt chúng đi, như vậy đã quá đủ rồi.
– Mày thấy đấy, mày cứ như thằng điên ý, nhưng cả cái làng này, ai gặp tao cũng nói rằng mày giỏi giang thế, học giỏi thế nhưng có ai biết tao khổ như nào đâu, mọi người không hiểu. Đang yên đang lành, tự nhiên mày về quê và nói rằng mày không học đại học nữa. Mọi người cứ nghĩ là tao sung sướng nhưng có biết là trong tâm tao khổ thế nào đâu.
– Đầu tiên, chuyện học đại học của con chẳng liên quan gì tới mẹ cả. Thứ 2, mẹ nói rằng con đã thành công mắt dân làng, nhưng chẳng ai biết mẹ khổ như thế nào cả, đó chính xác là nỗi khổ gì vậy, có ai làm gì mẹ đâu cơ chứ. Mẹ phải rõ ràng, mọi người có thể không hiểu, nhưng mẹ phải hiều, đầu tiên mẹ là người bắt con phải học giỏi, con đã học giỏi như mẹ muốn, mẹ đã tự hào, trong mắt mọi người mẹ đang hạnh phúc, nhưng mẹ lại bảo là mọi người không hiểu mẹ đang khổ như thế nào, đó cũng là nỗi khổ, và nỗi khổ ấy thì chẳng ai giải quyết được cho mẹ cả, vì không ai hiểu được. Mẹ hãy cẩn thận với suy nghĩ như vậy.
Kỳ thực vốn dĩ tôi chẳng có suy nghĩ về việc từ bỏ điều gì cả, chỉ là Hà Nội chẳng còn điều gì cần thực hiện, chẳng có cái gì cần hoàn thành nữa, vậy tôi tiếp tục ở đó làm gì nữa. Tôi có thể có nhiều điểm đến, một công việc ở Sài Gòn chẳng hạn, hay đi du lịch đâu đó, nhưng vì lời mẹ thường thủ thỉ với tôi rằng mẹ và con chẳng có mấy thời gian sống cùng nhau vậy nên tôi đã hỏi bà trước khi về, con sẽ về cùng mẹ một tháng nhé, có được không? Bà đã nói rằng điều ấy thật tuyệt, vậy mà chỉ sau 1 tuần, chỉ với vài câu hỏi của mọi người bà đã quên mất điều tuyệt vời ấy. Tôi không trách bà, chỉ là khoảnh khắc ấy bà đã quên mất những điều tôi đã trình bày từ trước đó, bà không còn niềm tin nữa, tôi biết chúng sẽ sớm trở lại. Bà là người phụ nữ tuyệt vời, bà đã hy sinh rất nhiều cho tôi và cho cả mọi người nữa.
50 ngày ở quê hương, Bắc Giang, tôi đã nhận ra gần như toàn bộ cuộc sống chỉ là ảo vọng, mọi nỗ lực đã qua chỉ là hành trình cố gắng ghi tên lên mặt nước. Nó thật vô nghĩa làm sao, ghi điều gì đó trên cát thì còn lưu lại chút ít, ghi tên trên nước thì đến đâu mất đến đó. Tôi dường như đã khao khát cuộc sống ẩn dật và mong rằng đừng ai làm phiền đến tôi vậy. Suy nghĩ về cuộc sống ẩn cư của tôi cần phải có hai điều kiện, một phải là thời kỳ hòa bình, hai là tôi phải đầy đủ can đảm.
Nếu chiến tranh xảy ra, dù tôi có là ai, ở đâu, thì cũng sẽ bị tìm đến cũng sẽ bị ép buộc ép buộc trở thành cỗ máy giết người theo cách này hoặc cách khác. Tôi sẽ phải phục tùng những mệnh lệnh ngu ngốc không vì lý do gì cả, nghiêm, quay trái, quay phải, bước đều, tôi không cần suy nghĩ gì hết, mà tốt hơn hết là không nên có tôi nữa, tôi nên biến mất, tôi sẽ trở thành số 3, số 5 gì đó, để phục tùng mệnh lệnh, đất nước nào cũng vậy, dân tộc nào cũng vậy, chẳng có khác biệt gì hết. Có ý nghĩa gì đằng sau những việc nghiêm, quay trái, quay phải cơ chứ.
Thật may mắn, bây giờ đang là thời kỳ hòa bình, dân tộc nào cũng vậy, đất nước nào cũng vậy, mọi nơi đều lấy GDP làm thước đo, giàu có là chứng nhận của Thượng Đế rằng bạn đang sống có ích với xã hội, với đất nước, dân tộc. Một người suy nghĩ ẩn cư như tôi tuyệt đối nguy hiểm, tôi sẽ làm mọi người mất đi ý chí đó, tôi đang khác mọi người, vậy nên để khác biệt như thế, tôi cần can đảm. Phải là người can đảm mới có thể vượt qua thiên kiến đám đông, những bàn luận của xã hội, vì khi mọi người biết bạn không giống họ nữa, họ sẽ muốn cải đạo bạn, họ muốn bạn thay đổi. Kỳ thực tôi chẳng hiểu, 50 ngày ở quê hương, tôi có thể không làm điều gì đúng nhưng tôi cũng không làm điều gì sai, tôi cũng chẳng mang rắc rối đến cho ai nhưng mọi người cứ đến và nói đến mức tôi thấy trong mắt họ mình không thành hình con người nữa. Nhân danh là người thân của tôi họ nói rằng tôi thật tồi tệ, vì là người thân của tôi nên họ sẽ nói để tôi biết, để tôi tỉnh ngộ ra, để tôi phải thay đổi, và cũng vì là người thân của tôi, vì họ là bác của tôi nên họ được quyền nói, tôi phải nghe – vậy đó.
– Mạnh, mày nói cho bác biết, mày cứ ở nhà cả nhà cả tháng như này thì sau này tương lai của mày thế nào?
– Tương lai của cháu đã chết, cháu không có tương lai.
– Tương lai của mày làm sao mà chết, mày còn trẻ như thế này nhưng mày không học hành, không làm ăn gì thì làm sao sau này mày lập gia đình, lấy vợ, sinh con, rồi còn lo cho mẹ mày nữa.
– Đầu tiên, cháu chỉ ở nhà hơn 1 tháng và mẹ cháu chưa chết, thứ 2 như bác thấy cháu không có năng lực lấy vợ vì cháu đã ở quê 1 tháng, thứ 3, chuyện cháu về quê mọi nguyên nhân cháu đã trình bày cho mẹ cháu rồi và cháu cũng chẳng ở đây lâu.
– Nghe mày nói chán đời thật đấy, mày phải hiểu là … mày nên biết là … bác là bác của mày nên bác mới nói … mày có biết là … mày hãy nhìn anh này … anh ấy đã … mày cũng nên …- còn rất nhiều nữa nhưng kỳ thực tôi không nhớ nổi
– Thôi mà, xin bác hãy từ bi một chút đi, có thể thương yêu nhau một chút không, tại sao bác cứ bắt cháu phải thay đổi cơ chứ, cháu đã làm điều gì sai đâu, tại sao phải gắt lên với cháu như vậy, cháu đang hạnh phúc và cháu chỉ ở đây hơn 1 tháng thôi, sau đó cháu sẽ đi đâu đó, bác sẽ không thấy cháu nữa, bác không cần phải tốn năng lượng như vậy. – Tôi đã nói như thế.
Đã có một vài cơ duyên khiến tôi đến Sơn La, nếu có cơ hội tôi sẽ viết ở những bài viết khác. Kỳ thực tôi yêu khung cảnh núi rừng nơi đây, tiếng chim hót buổi sáng, những đứa trẻ dân bản tắm suối buổi chiều, quan trọng hơn hết là không ai làm phiền tôi cả, dù có một vài công việc cần thực hiện, nhưng chúng cũng không mang lại trở ngại gì, chúng ta cũng cần làm việc gì đó đúng không, dù ẩn dật thì cũng phải bổ củi, nấu cơm mà thôi.